Những lồng sắt cơi nới, hay còn gọi là “chuồng cọp” đang mọc tràn lan tại các chung cư thấp tầng, khu tái định cư mới xây dựng. Đây là mối hiểm họa cho sự an toàn của các công trình cũng như trật tự xây dựng và văn minh đô thị.
Nếu đến khu đô thị Đền Lừ 2 (quận Hoàng Mai, Hà Nội), dễ dàng bắt gặp cảnh một số hộ dân đang cơi nới làm chuồng cọp. Qua khảo sát các tòa chung cư được biết, khoảng 1/3 “chuồng cọp” vừa được xây lắp mới. Có những chuồng cọp đổ bê tông đua ra vài mét, chênh vênh tầng 17-18 rất nguy hiểm. Đây là khu đô thị với khoảng 15 tòa chung cư, là nơi tái định cư cho các dự án giải phóng mặt bằng quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai. Ông Nguyễn Văn Tưởng, hộ dân ở phòng 206 nhà E cho biết, thấy mọi người làm nên nhà ông cũng làm và không thấy ai nói gì.
Theo ông Phạm Vinh Quang, tổ trưởng dân cư tòa nhà chung cư E, khu đô thị Đền Lừ 2, việc cơi nới chuồng cọp sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn của tòa nhà. Dù Ban quản lý cũng đã xuống lập biên bản nhưng sau đó đâu lại vào đấy.
Tương tự, khu tái định cư Trung Hòa – Nhân Chính (quận Thanh Xuân) được xây theo kiến trúc hiện đại, kiểu mới, thế nhưng những “chuồng cọp” xuất hiện khá nhiều, ngay cả những khu chung cư cao gần 18 tầng cũng xuất hiện những lồng sắt chìa ra khoảng không hàng mét. Theo chị Thanh Hà, sống tại nhà NE6, 5 năm trước đây, tình trạng cơi nơi diễn ra khá phổ biển. Sau một thời gian làm nghiêm, thì nay lại bùng phát với hàng chục trường hợp lấn chiếm khoảng không dân cư, dẫn đến nguy cơ phát vỡ kết cấu tòa nhà. Tuy mới xây cách đây khoảng 10 năm, nhưng khu tái định cư này đã xuống cấp và phải sửa chữa nhiều lần.
Tình trạng cơi nơi “chuồng cọp” không chỉ tái phát tại khu đô thị Đền Lừ, Trung Hòa – Nhân Chính (Thanh Xuân) mà còn xuất hiện khá nhiều tại các khu tái định cư khu chung cư thấp tầng tại Xuân La (Tây Hồ), tòa nhà A6 (Giảng Võ),… Chị Tâm Thanh, người đang thuê nhà tại chung cư A6 Giảng Võ cho hay, tòa nhà này xây dựng được 8 năm, tuy nhiên đã xuất hiện tình trạng các hộ dân làm chuồng cọp, nhìn qua tưởng là khu tập thể cũ những năm 1980. Chính việc cơi nới khiến kết cấu chung cư xuống cấp.
Không chỉ đeo bám các khu tái định cư cao tầng, tình trạng này còn diễn ra khá phổ biến tại các khu tái định cư thấp tầng. Theo một số hộ dân, họ nộp tiền cho ban quản lý tòa nhà rồi cơi nới. Thực tế, tại các khu tái định cư, việc quản lý các tòa nhà vẫn do doanh nghiệp chịu trách nhiệm và lỏng lẻo hơn các khu chung cư thương mại. Chính sự quản lý lỏng lẻo này mà khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính, nơi được coi là một khu trung tâm mới của Hà Nội, trong khi những tòa nhà chung cư thương mại được quản lý nghiêm ngặt thì các tòa nhà tái định cư xuất hiện chi chít những “chuồng cọp” án ngữ mặt tiền tòa nhà.